Lưu trữ cho từ khóa: đồng hành cùng con

Review sách Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ: 5 năm sau ngày mất mẹ

Không phải là câu chuyện đẫm nước mắt, “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” mang đến một quyển hồi ký đong đầy yêu thương cùng cảm xúc tích cực của tình mẫu tử.

—-

Sơ lược về “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ”

Tác giả

Tác giả Pascale Perrier là một nhà văn người Pháp, sống ở Paris.

Đam mê với thơ văn từ bé, bà đã chọn nghề thủ thư để được chìm đắm trong những quyển sách mỗi ngày.

Bà là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng cho thanh thiếu niên, nổi bật là: “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ“, “Hạnh phúc trong 5 lời nói dối“,…

Tác giả Pascale Perrier
Tác giả Pascale Perrier (Ảnh: Rối)

Bìa sách

Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” có bìa sách màu tím, cùng một bàn tay bóc lá thư với đầy hoa bên trong.

Những bông hoa đong đầy hai chữ “hạnh phúc”.

Tất cả đã nói lên rằng đây là một quyển sách tích cực, nói về hạnh phúc và tình mẫu tử thiêng liêng.

Bìa sách "Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ"
Bìa sách “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” (Ảnh: Rối)

Mục lục

Như đã nói, “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” nói về 5 năm sau ngày mẹ mất của một cô bé trung học.

Vì vậy, mục lục đơn giản là từng năm trôi qua gắn với những dòng hồi ký của tác giả.

Mục lục "Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ"
Mục lục “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” (Ảnh: Rối)

Những trang sách hay

Sơ lược nội dung

Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” đơn giản là ghi lại cuộc sống 5 năm sau khi mất mẹ của một cô bé trung học.

Mở ra là ngày mất mẹ của cô bé chưa đủ trưởng thành. Kế đó là hành trình tìm kiếm bản thân “Tôi là ai” của cô bé.

Hiện tại ra sao ? Những rắc rối trong chuyện gia đình sau khi mẹ mất, bố thì có gia đình mới ở một hòn đảo xa xôi ? Chuyện tình cảm ra sao ? Những chuyến phiêu lưu trong 5 năm của cô bé ? Những nhìn nhận của cô về thế giới xung quanh ? Những trăn trở về tương lai thế nào ?

Và rồi, từng năm trôi qua, đúng vào ngày Giáng sinh, cô bé lại được luật sư mời đến để lắng nghe những lá thư của mẹ.

Mỗi lá thư là những dòng nhắn gửi lạc quan của người mẹ yêu con và cũng là người từng trải qua những vùi dập của cuộc đời. Mỉm cười nhưng đằng sau đọng lại đâu đó là giọt nước mắt lăn dài.

Dòng hồi ký gửi mẹ
Lưu giữ những ngày tháng ấy (Ảnh: Rối)

Trân trọng

Chắc chắn trong những câu chuyện, chúng ta sẽ nhìn thấy một cô bé bị tổn thương về mặt tinh thần vì mẹ mất, hoang mang cho tương lai và mệt mỏi với hiện tại, đôi chút lại có tính nổi loạn.

Tuy vậy, bên cạnh cô luôn có anh chị em, người bạn tốt, những kỉ niệm tràn đầy hạnh phúc nhưng lúc ấy cô chưa kịp nhận ra.

Cô luôn muốn trốn khỏi thực tại, đi đến một nơi thật xa, để rồi khi quay về, cô nhận ra nhiều điều ý nghĩa, trong đó có một suy nghĩ rằng:

“Trong cả dải thiên hà xa xăm, có lẽ người ta đã không nhận ra giá trị nơi những điều nhỏ nhoi của cuộc sống quanh mình.”

Tự do là gì ?
Tự do là gì ? (Ảnh: Rối)

Hi vọng

Trong từng lá thư, mẹ cô đã động viên cô trưởng thành hơn bằng cảm xúc lạc quan. Bà mong cô trở thành chính bản thân mình và chuyển nói vào trong sự sáng tạo. Bà mong là những đứa con của bà trả lời được câu hỏi “Tôi là ai”. Từ đó, chúng có thể sống tốt hơn và chấp nhận cái chết của bà.

Anh và chị của cô bé đã làm tốt được điều đó. Tuy nhiên, cô bé này thì phải mất một thời gian khá lâu vì cô vẫn chưa đủ chín chắn và trưởng thành. Nhưng rồi qua từng lá thư, qua những trải nghiệm, sau 5 năm… Cuối cùng, cô cũng đã tìm được một chút gì đó, gọi là “hi vọng”.

Đôi khi chỉ cần biết chấp nhận
Đôi khi chỉ cần biết chấp nhận (Ảnh: Rối)

Ưu tiên

Trong 5 lá thư, mình ấn tượng nhất là lá thư về những viên đá, lá thư đầu tiên.

“Nếu chúng ta ưu tiên những điều vụn vặt (như viên sỏi hoặc hạt cát), chúng ta sẽ lấp đầy những “chiếc bình” của mình đến mức chúng ta sẽ chẳng còn có đủ thời gian quý báu để dành cho việc đáng phải làm”.

Không phải là lá thư đẫm nước mắt. Đó là những câu chuyện lạc quan, khuyên nhủ những đứa con của mình làm một điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống. Có lẽ việc mẹ rời đi đã khiến những viên đá cuội không còn có khả năng lấp đầy những chiếc bình của những đứa con nữa. Nhưng những dòng thư này như cách người mẹ vẫn luôn ở bên cạnh động viên, nhắc nhở cho con tự tin thực hiện những điều con ấp ủ.

Nên ưu tiên cho những điều xứng đáng
Nên ưu tiên cho những điều xứng đáng (Ảnh: Rối)

Lời kết

Khi mắc căn bệnh hiểm nghèo và trước khi mất, người mẹ đã dự đoán được những gì con mình chắc chắn sẽ trải qua. Người mẹ mong muốn rằng dù có ở đâu, bà vẫn muốn đồng hành cùng con. Vậy nên, bà đã để lại những bức thư và chia sẻ với con mình qua từng năm.

Mẹ luôn là điểm tựa vững chắc của con như vậy đấy:

Năm đầu tiên: những dòng chữ cảnh báo về những khó khăn và cổ vũ tinh thần con dũng cảm đối mặt với cuộc sống.

Năm thứ hai: mong muốn con có thể tự chăm sóc bản thân mình và gắn bó với những người thân yêu.

Và rồi sau từng năm sau là những dòng thư tin tưởng vào con nhiều hơn, nhiều hơn nữa:

“Mẹ hoàn toàn tin tưởng rằng con sẽ biết cái mà con cần và tự mình nỗ lực để đạt được nó. Và con sẽ lớn lên một cách hạnh phúc.”

Không hoa mỹ, không phô trương, “Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ” mang lại những câu chuyện đời thực.

Vì đây chính là một giai đoạn trong cuộc đời của chính tác giả.

Để rồi khi gấp lại, chúng ta như lắng lại sự yêu thương của tình mẫu tử, cảm xúc đong đầy và trân trọng hơn những mối quan hệ với những người thân yêu xung quanh mình.

Yêu thương thật nhiều.

-Rối-

—–

Đặt sách tại:

—-

Xem thêm các bài viết liên quan nhé:

—-