Lưu trữ cho từ khóa: Có những ngày trống rỗng

Review sách Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm

Ai cũng có những ngày thật trống rỗng, thất vọng về mọi thứ, muốn mặc kệ đời này. Và có một quyển sách rất đáng đọc trong những “dịp” như thế này, đó là “Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm”.

Nó giúp ta buông bỏ những áp lực trong cuộc sống. Và cả “tát” vào những mơ mộng viễn vông của chúng ta, giúp ta tỉnh dậy và đối mặt với thực tế một cách tích cực hơn.

Sơ lược về “Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm”

Tác giả Mark Manson là một blogger trẻ tuổi, nổi tiếng với những câu chuyện hài hước, cuốn hút trên website markmanson.net. “Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch quan tâm” là một trong hai quyển sách của Mark Manson được tờ New York Times bình chọn là những cuốn sách bestseller. Ngôn từ hài hước, dí dỏm ngay từ tựa đề đã giúp Mark Manson lôi cuốn người đọc cùng suy nghĩ với mình và truyền năng lượng tích cực cho độc giả.

sach selfhelp
Tác giả Mark Manson, một blogger nổi tiếng (Ảnh: Xuân Diễm)

Mình đặt mua quyển sách vào lúc bản thân đang tụt “mood”. Và thật sự là đôi lúc mình chỉ muốn “đếch quan tâm” với mọi thứ trên đời. Thế là nhìn tên quyển sách là muốn mua ngay. Thêm cái phong cách bất cần nhưng lại nhìn rất “nghệ” luôn nữa nên chấm ngay. Những thứ không quan tâm thì nên cho vào thùng rác. Vậy mà sao chúng lại cứ nhìn nhìn mình thế kia nhỉ? Khó chịu quá đi mất, mà thôi cũng “đếch quan tâm”. Vào sách thôi nào! 🙂

sach selfhelp
Quyển sách hài hước với bìa sách đáng yêu (Ảnh: Xuân Diễm)

Quyển sách đi từ xoa dịu nỗi đau của chúng ta. Nó bảo ta “đừng cố” nữa. Nó là đồng minh nuông chiều nỗi đau của chúng ta những lúc bị vấp ngã trong chương 1 và chương 2. Sau đó, nó lại như “một cú tát” vào mặt để ta thức tỉnh. Và bảo với chúng ta rằng bản thân mỗi người “cũng chẳng đặc biệt lắm đâu”.

Và rồi cho ta lựa chọn giữa chịu đựng và lãng tránh ở hai chương kế tiếp. Nó lại “vả” tiếp một cú tát vào mặt để thức tỉnh chúng ta hãy làm một điều gì đó. Thất bại cũng được, chỉ cần là bước thêm một bước. Cuối cùng, tác giả đưa ta đến giới hạn của cuộc đời và truyền cho ta một năng lượng tích cực cũng như một niềm tin khó tả trong cuộc sống.

sach selfhelp
Mục lục “Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm” (Ảnh: Xuân Diễm)

Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm – Sâu sắc một cách lạ kỳ

Chúng ta buồn thường là vì gì nhỉ ? Có phải là do bản thân quá kém cỏi hay không ?

Chúng ta cần một người chấp nhận sự kém cỏi đó của chúng ta. Quyển sách này là người bạn như thế. Nó cho ta cảm giác ủng hộ những khuyết điểm ấy. Bởi chỉ có sự chấp nhận thì chúng ta mới thoải mái trong việc học hỏi, tiếp thu với những cái mới. Không biết thì nói là không biết thôi, không phải sợ gì cả.

Sao lúc nhỏ, mình học nhanh thế nhỉ ? Không hoàn toàn vì lý do là người càng lớn thì khả năng học hỏi càng chậm đâu. Người lớn chúng ta cái tôi đôi khi quá lớn để học hỏi một điều gì đó mới. Và cứ chấp nhận sự kém cỏi của chúng ta, cho nó buồn và đó là động lực để sống tốt hơn.

sach selfhelp
Chấp nhận mình tệ là cách tốt nhất để học những điều mới (Ảnh: Xuân Diễm)

Và hôm nay, bạn đau đúng không ? Bạn muốn bạn ngừng đau hay vượt qua nó một cách nhẹ nhàng. Nói một cách khác đi, bạn nên chịu đựng nỗi đau một cách bình tĩnh. Thật sự là hơi phũ phàng vì quyển sách này sẽ “đếch quan tâm” đến nỗi đau của bạn đâu.

Bởi nỗi đau là của riêng mỗi người và chính chúng ta phải tìm ra lý do và ý nghĩa của nỗi đau đó. Nếu chẳng có nghĩa lý gì thì chịu đựng một chút rồi cũng nguôi ngoai. Còn nếu nó có ý nghĩa thực sự thì nhiều khi chịu đựng nỗi đau lại là một sự “tận hưởng” nữa ấy chứ.

sach selfhelp
Chịu đựng cũng là một bài học hay (Ảnh: Xuân Diễm)

Và nếu chẳng phải buồn vì một vấn đề thì sao nhỉ ? Bởi mình hiểu mỗi lần gặp một điều gì đó tệ thì mọi vấn đề đều trở nên tệ. À không, phải nói chính xác là đó là lúc cả thế giới như chống đối lại một mình chúng ta. Thất nghiệp đi đôi với thất tình, mất tiền đi đôi với mất của, mất đủ thứ. Chạy không kịp deadline đi đôi với sếp mắng, đồng nghiệp khinh khi. Vậy đấy, đời là thế mà. Vậy những lúc như thế, chúng ta phải làm gì nhỉ ?

sach selfhelp
Vậy mới là đời ! (Ảnh: Xuân Diễm)

Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm – Cũng thực tế không kém

Như đã nói ở trên, chúng ta lại đi phân tích lý do và ý nghĩa của từng nỗi đau của chính mình. Và chợt nhận ra rằng mọi thứ đều do chính ta lựa chọn. Mà đã là do chính mình lựa chọn thì phải có trách nhiệm với nó. Lựa chọn quá xa vời thì phải đòi hỏi sự bứt phá ra khỏi giới hạn.

Nếu có khả năng thì cố mà làm được vì chắc chắn giá trị của nó đối với bạn là tuyệt vời. Chỉ có những điều “từ trên trời rơi xuống” mới xứng đáng làm chúng ta đau khổ nhưng đau khổ vì những điều chẳng có lý do, những điều vô nghĩa thì thôi chẳng đáng để đau làm gì.

sach selfhelp
Xui xẻo thì đọc đoạn này nha ! (Ảnh: Xuân Diễm)

Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm” sẽ giúp chúng ta xoa dịu nỗi đau như thế và rồi nó sẽ “biến những nỗi đau của bạn trở thành một thứ công cụ, biến những chấn thương thành sức mạnh và biến những vấn đề trở thành những vấn đề sáng sủa hơn.” Đó là một nghệ thuật thực sự. Câu từ có vẻ vui đùa nhưng lại cực kỳ sâu sắc, có những điều tưởng chừng khó hiểu nhưng lại gần gũi, chạm đến tâm hồn và dễ áp dụng vào cuộc sống rất nhiều.

sach selfhelp
Biến những nỗi đau thành công cụ nào (Ảnh: Xuân Diễm)

Ngồi nhìn và mơ ước về những trải nghiệm tích cực là trải nghiệm tiêu cực. Chúng ta cứ hi vọng, cứ khao khát, cứ tưởng tượng về những chuyến đi thì có được gì. Chỉ chính chúng ta dành dụm, chính chúng ta chuẩn bị, chính chúng ta ngắm nhìn và cảm nhận thì đó mới thực sự là trải nghiệm tích cực, thú vị và ý nghĩa. Hãy thực hiện.

Học cách nhìn nhận về những trải nghiệm tiêu cực lại chính là trải nghiệm tích cực. Khi chúng ta nhìn lại, chúng ta mới nhận ra được những khó khăn, những sai lầm, lý do của những thất bại, chấp nhận chúng và rút kinh nghiệm để thay đổi và trở nên tốt hơn. Chúng ta cho là hôm nay chúng ta dở tệ, chúng ta nghi ngờ về bản thân mình. Tốt đấy, chẳng phải tiêu cực đâu, chúng ta đang rất tích cực ý chứ. Hãy chấp nhận và cải thiện ngay đi nào.

sach selfhelp
Tưởng chừng khó hiểu nhưng lại dễ hiểu vô cùng (Ảnh: Xuân Diễm)

Lời kết

Tựa đề quyển sách cho chúng ta cảm giác một chút hài hước, một chút tinh tế, một chút thức tỉnh và chính xác đây là một quyển sách như thế. Tác giả kể cho ta nghe vài câu chuyện cười, rồi tinh tế sẻ chia với chúng ta những buồn vui trong cuộc sống và cuối cùng, thức tỉnh những ngày mặc đời của chúng ta bằng động lực sống tốt hơn mỗi ngày. Một cách self-help thật lạ kỳ nhưng đáng yêu, gần gũi và cực kỳ hữu ích.

Hãy thu hẹp những mối quan tâm của bạn lại và chỉ ưu tiên cho những điều xứng đáng. Và quyển sách này mình nghĩ sẽ là sự ưu tiên cho những “dịp” trống rỗng, bất định trong cuộc đời của chúng ta. Khi đọc hết quyển sách, chuỗi ngày đó chắc chắn không còn là vô nghĩa.

Yêu thương thật nhiều.

-Rối-

——

Link đặt sách trên Fahasa: https://shorten.asia/u7ea9upb