Lưu trữ cho từ khóa: người trẻ chênh vênh

Câu chuyện Full Time: Nhân sự bao gồm những mảng nào ?

Trước khi nhận nhiều job freelance như bây giờ, mình đã từng là một nhân viên Full Time Nhân sự. Mình học Đại học, đi thực tập, đi làm trong khoảng thời gian cũng không phải ngắn. Mình sẽ chia sẻ những gì mình đã từng trải qua cho các bạn tham khảo nhé.

Nhân sự bao gồm 4 mảng chính: Tuyển dụng (TA), Tiền lương và Phúc lợi (C&B), Đào tạo và Phát triển (L&D), HRBP. Mình chia làm từng phần và lấy một ví dụ đơn giản cho dễ hiểu nhé.

Tuyển dụng (Talent Acquisition)

Bạn muốn xin việc thì trước hết là lên các trang mạng hoặc dò hỏi thông tin tuyển dụng của các công ty đúng không nè ? Đó là từ bộ phận Tuyển dụng đăng tuyển đấy. Họ sẽ viết bài, đăng tuyển trên các trang mạng xã hội, các trang tìm việc, Linked,…

Họ chọn lọc hồ sơ, gọi phỏng vấn và hẹn bạn đến gặp phỏng vấn với, người bạn báo cáo trực tiếp, cấp trên hoặc lãnh đạo (tùy vào quy trình tuyển dụng của từng công ty) và sau đó, xem xét kết quả phỏng vấn có phù hợp với tiêu chí công ty rồi gửi bạn offer và hẹn bạn đến nhận việc.

Thông thường, đến bước này là bộ phận tuyển dụng đã đạt được KPI nhưng tùy công ty sẽ còn tính vào độ gắn bó của nhân viên bao lâu rồi mới ok.

Nghe thì đơn giản nhưng bộ phận tuyển dụng cũng rất áp lực nếu công ty có nhu cầu tuyển nhiều hoặc tuyển những vị trí cao trong công ty. Rất cần tạo dựng các mối quan hệ trong cùng lĩnh vực và vị trí cần tuyển cũng như khả năng chịu áp lực cao.

Tiền lương và Phúc lợi (Compensation & Benefit)

Đến ngày nhận việc rồi đúng không nè. Bạn sẽ được gặp các Anh/Chị trong bộ phận C&B để làm thủ tục nhận việc. Họ sẽ làm hợp đồng, các giấy tờ về thuế, bảo hiểm xã hội, các loại phúc lợi khác (như tiền ăn, tiền xe, bảo hiểm sức khỏe,…) để đảm bảo mọi quyền lợi cho bạn khi ở trong công ty. Làm vài năm thì bạn sẽ thăng chức, thuyên chuyển thì cũng là bộ phận này đề xuất và thông báo cho bạn.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất là tiền lương, tiền thưởng cũng do bộ phận này tính toán và chi trả hằng tháng, hằng năm cho bạn.

Các vấn đề về thẻ ngân hàng hoặc khám sức khỏe định kỳ, bộ phận này cũng thường do bộ phận này phụ trách. Nói chung, bất cứ điều gì liên quan đến phúc lợi và tiền lương của bạn thì bộ phận này sẽ xử lý hết.

Đào tạo và phát triển (Learning & Development)

Các công ty lớn hoặc chỉ cần có tầm nhìn và quan tâm đến nhân viên thì chắc chắn sẽ có thêm mảng này. Nếu bộ phận dùng điều kiện cần là tiền lương và phúc lợi thì bộ phận này sẽ dùng điều kiện đủ là những chính sách gắn kết và phát triển năng lực để giữ chân nhân viên.

Họ sẽ mở những khóa học cung cấp những kiến thức bổ ích cho chuyên môn và cả những kỹ năng cần thiết để nhân viên cảm thấy được coi trọng, được trau dồi và ngày một hoàn thiện hơn.

Họ sẽ mở những ngày hội gắn kết, tổ chức những hoạt động để lan tỏa văn hóa công ty, xây dựng những mối quan hệ giữa các phòng ban, giữa từng nhân viên với nhau, những chuyến du lịch và tiệc nhân viên cùng những chương trình hấp dẫn, những ghi nhận nỗ lực hằng năm, huy hiệu thâm niên để nhân viên cảm thấy luôn được công ty quan tâm đến cả vật chất lẫn tinh thần và công nhận nỗ lực của mình.

Đối với những ngành nghề đặc thù, mảng này còn liên quan đến đào tạo cho mỗi nhân viên mỗi khi nhận việc về văn hóa và các hoạt động doanh nghiệp để họ có những nhìn nhận tổng quan và chính xác nhất về nơi mà họ sẽ làm việc. Và sau một khoảng thời gian nhất định, chính họ sẽ cập nhật lại cho nhân viên.

HRBP (Human Resources Business Partner)

Tiếng Việt sẽ là nhân viên đối tác nhân sự. Đây chính xác hơn là một chức danh quan trọng trong bộ phận Nhân sự của các doanh nghiệp có quy mô lớn. Đây có thể nói là những người theo chúng ta sát sao nhất.

Họ sẽ theo dõi và đánh giá từng nhân viên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì mà các bộ phận không thể giải đáp hết cho bạn thì đây là bộ phận bạn cần liên hệ. Họ sẽ cập nhật và giải đáp cho bạn hoặc đưa đề xuất của bạn đến cấp trên và chắc chắn sẽ được giải quyết. Họ cũng là người hòa giải trong các mâu thuẫn và là người đề xuất cách giải quyết trong các vụ vi phạm của công ty.

Họ còn đưa ra những số liệu, phân tích tình hình khi công ty gặp khó khăn, thách thức, nắm bắt tình hình nhân sự để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Có thể chúng ta sẽ không trực tiếp gặp họ trong quá trình làm việc nhưng họ vẫn luôn theo sát chúng ta và thường cũng sẽ là người ngồi xuống khi bạn nộp đơn nghỉ việc, họ sẽ lắng nghe và tìm cách giữ chân bạn lại nếu có thể.

Admin

Ngoài ra, bộ phận nhân sự thường bao gồm cả Admin. Họ sẽ làm các công việc giấy tờ, lưu trữ hồ sơ, làm thẻ nhân viên, đồng phục và hỗ trợ các hoạt động của bộ phận.

Đó là nhìn chung về một phòng Nhân sự là như thế. Còn tùy vào từng doanh nghiệp, từng quy mô công ty lại có cách phân công sắp xếp riêng. Thậm chí chỉ có 1 người làm hết tất cả thôi. Có khi lại phân công mỗi mảng lại được phân thành nhiều công việc nhỏ và nhiều người phụ trách.

Lần sau, mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn từng mảng và người làm nhân sự sẽ làm những công việc mỗi ngày như nào nha. Hứa là tuần sau nhé.

Yêu thương thật nhiều.

-Rối-

———

Một số khóa học liên quan đến Nhân sự: https://shorten.asia/7xMeyXD5

Một số bài viết tương tự:

—–