Người quét dọn tâm hồn (Ảnh: Rối)

Review sách Người quét dọn tâm hồn – Hiroshi Kamata

Mình vừa tạo một group Tiệm sách cũ nhà Rối và đã nhận được một kiện sách thanh lý đầu tiên của một bạn siêu dễ thương ở Hà Nội. Và đây là quyển sách đầu tiên mình đọc trong kiện sách này. “Người quét dọn tâm hồn” nói về “những bài học đáng suy ngẫm và đầy cảm động về chân giá trị của công việc”. (như lời tác giả nói trong lời mở đầu). Mình cũng có background là nhân sự nên thực sự vừa thấy quyển sách này là muốn đọc ngay. Hãy cùng Rối khám phá quyển sách này nhé.

Sơ lược về “Người quét dọn tâm hồn”

Người quét dọn tâm hồn” vừa trao giá trị về công việc, vừa được viết như quyển nhật ký của tác giả Hiroshi Kamata. Quyển sách viết về những câu chuyện mà ông nhìn thấy tại nơi ông từng gắn bó làm việc nhiều năm, Disneyland. Đồng thời, đây cũng là quyển sách cùng đồng hành với ước mơ của ông, truyền đạt các kiến thức về bồi dưỡng nguồn nhân lực.

nguoi quet don tam hon
Tác giả Hiroshi Kamata (Ảnh: Rối)

Quyển sách này mình chụp từ sách của một bạn thanh lý lại nhưng sách vẫn còn rất mới và còn cả bookmark luôn. Bìa sách là một người làm công việc quét rác bên cạnh một tòa lâu đài. Có thể thấy vẻ mặt tươi cười và bộ quần áo chỉn chu của ông cùng đôi tay cầm chổi rất chuyên nghiệp. Nhìn vào, đây như một tác phẩm nghệ thuật và ông chính là người nghệ sĩ. Ngay bìa truyện, chúng ta có thể thấy ngay niềm đam mê công việc của một người lao động bình thường. Và làm thế nào để tìm hiểu và bồi dưỡng nó.

nguoi quet don tam hon
Bìa sách và bookmark (Ảnh: Rối)

Nhìn vào mục lục có thể thấy những câu chuyện hiện ra với tựa đề khá mộng mơ, huyền ảo. Mỗi câu chuyện đều có ý nghĩa thực tế rất rõ ràng. Những câu chuyện được kể lại với giọng văn tự nhiên, gần gũi, như trong cuộc sống hằng ngày.

nguoi quet don tam hon
Mục lục “Người quét dọn tâm hồn” (Ảnh: Rối)

Một số câu nói hay trong “Người quét dọn tâm hồn”

Khi muốn trao cho người khác, trước tiên chúng ta không những phải có mà còn phải yêu và tự tin về nó. Nhiều người trong chúng ta, và đặc biệt các bạn sinh viên mới ra trường có lẽ khá quen với cuộc hội thoại trong bức hình bên dưới, như gặp chính mình trong đó.

Chúng ta thường đơn giản chỉ mong ước có thể làm một công việc để mang lại nhiều giá trị cho mọi người. Nhưng chỉ mơ hồ nghĩ như vậy, không rõ ràng là giá trị gì. Chỉ khi chúng ta có ước mơ, có niềm tin về điều đó, có khả năng thực hiện thì mới có thể khiến người khác tin và lan tỏa giá trị đến mọi người.

Theo mình, câu nói này còn đúng với các doanh nghiệp hoặc những người quản lý. Khi họ muốn nhân viên mình làm gì thì nên nghĩ được điều đó có giá trị gì. Một công ty có những giá trị cốt lõi nhất định thường sẽ giữ được chân nhân viên ở lại với họ lâu hơn. Và với mình, công ty và nhân viên đến với nhau vì một ước mơ có điểm tương đồng của cả hai mới là sự gắn kết có hiệu quả lâu dài.

nguoi quet don tam hon
Hãy tìm ra ước mơ của chính mình (Ảnh: Rối)

Ngày bé, chúng ta có thể suy nghĩ làm siêu nhân, làm bác sĩ, làm ca sĩ, những ước mơ cao cả. Nhưng càng lớn, ước mơ của chúng ta ngày càng thu hẹp đi. Không phải chúng ta ngừng ước mơ mà chúng ta đã đặt giới hạn cho chính mình. Chúng ta bắt đầu hiểu về thế giới này, mất dần sự hồn nhiên ngây thơ vốn có và đánh mất đi ước mơ lớn lao. Đừng đặt giới hạn, hãy làm những gì bạn có thể làm, bạn sẽ đi xa hơn trong cuộc sống.

nguoi quet don tam hon
“Hãy làm những gì bạn có thể” (Ảnh: Rối)

Và câu nói làm mình ưng nhất trong quyển truyện này là “Giới hạn là khi anh bỏ cuộc”. Và suy đi nghĩ lại, chúng ta luôn tự nghĩ cho mình một giới hạn để từ bỏ. Khi mình lên được chức này, mình sẽ nhảy việc. Khi mình có đủ kinh nghiệm, mình sẽ nghỉ việc. Tại sao vậy ? Những mục tiêu đó phục vụ cho công việc hiện tại hay là cái cớ để từ bỏ nó ? Chúng ta đang đi lên trong con đường sự nghiệp hay thực sự là đang chán nản với bản chất của công việc đó ? Đó chẳng phải là mục tiêu mà là giới hạn của bản thân chúng ta.

nguoi quet don tam hon
“Giới hạn là khi anh bỏ cuộc” (Ảnh: Rối)

Trong “Người quét dọn tâm hồn” còn đọng lại những câu nói về môi trường làm việc rất hay. Một môi trường làm việc tốt sẽ giúp công việc thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là trong ngành dịch vụ. Chúng ta nên vui vẻ với đồng nghiệp, hài lòng với sản phẩm của công ty, hòa nhập vào môi trường của công ty, hiểu được mục đích của công ty. Và khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Và nhiệm vụ của các doanh nghiệp là phải giúp nhân viên cảm nhận được điều đó.

nguoi quet don tam hon
Một môi trường làm việc tốt là như thế nào ? (Ảnh: Rối)

Lời kết

“Người quét dọn tâm hồn” là một quyển sách dành cho mọi lứa tuổi. Khi bạn ở những độ tuổi khác nhau, ở những địa vị khác nhau, ắt sẽ có những bài học rất khác nhau thông qua những câu chuyện này.

Những đứa trẻ cũng sẽ thích những câu chuyện này với cách kể chuyện hấp dẫn của tác giả, những bài học về tình yêu thương của bố, của gia đình, của tình thầy trò.

Những người vừa, đang, đã và sẽ đi làm sẽ có cái nhìn đúng đắn về công việc, có suy ngẫm riêng cho chính mình.

Và các bậc quản lý, chủ doanh nghiệp khi đọc cũng sẽ có những kinh nghiệm quý báu để nắm bắt và giữ chân nhân viên của mình.

Không đơn giản là một quyển truyện, nó có thể thay đổi tư duy về công việc của tất cả chúng ta, một quyển sách đáng để trải nghiệm.

Yêu thương thật nhiều.

-Rối-

——-

——

Bạn có thể xem thêm vài quyển sách hay liên quan:

—–