Review Sách

Review sách Nếu tôi biết được khi còn 20: Tuổi 20 nên làm gì để thành công trong tương lai ?

Loading

Đừng để những năm 20 tuổi trở thành hối tiếc cho những năm tháng trưởng thành. Quyển sách “Nếu tôi biết được khi còn 20” sẽ mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng và gợi mở trong bạn nhiều động lực để làm một điều gì đó giá trị trong tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết này.

—-

Một chút về “Nếu tôi biết được khi còn 20”

Bìa sách màu xanh lá, màu của hi vọng, màu của nhiệt huyết tuổi trẻ, màu của thanh xuân. Điều mình ấn tượng nhất khi nhìn bìa sách này là ô tìm kiếm. Có phải chúng ta những năm 20 luôn tìm kiếm một điều gì đó. Chúng ta tìm phiên bản của mình trong tương lai. Lúc thì loay hoay và lo lắng không biết mình là ai nên cứ tìm kiếm một ai đó làm hình mẫu lý tưởng. Lúc thì tìm tòi học hỏi những điều mới mẻ. Lúc thì chúng ta có những ý tưởng điên rồ và tìm cách thực hiện nó. Ô tìm kiếm quen thuộc với những năm 20 tuổi như vậy đấy.

Nếu tôi biết được khi còn 20
Bìa sách “Nếu tôi biết được khi còn 20” (Ảnh: Rối)

Tác giả của “Nếu tôi biết được khi còn 20” là bà Tina Seelig. Bà là một doanh nhân, giảng viên và Tiến sĩ ngành Thần kinh học. Bà hiểu được tâm lý của con người và mong muốn gợi mở cho những sinh viên và những người trẻ một cánh cửa tuổi trẻ nhiệt huyết và không bị phí hoài. Một khởi đầu sự nghiệp là vô cùng quan trọng, bà muốn góp phần tạo một nền tảng vững chắc cho những người trẻ, để có thể đi xa hơn trong tương lai.

Nếu tôi biết được khi còn 20
Tác giả Tina Seelig (Ảnh: Rối)
Nếu tôi biết được khi còn 20
Tóm tắt nội dung (Ảnh: Rối)

Nếu tôi biết được khi còn 20” bao gồm 10 chương với những cái tên mang đầy ý nghĩa biểu tượng. Mỗi chương sẽ bao gồm những câu chuyện thực tế, những ví dụ điển hình, ý tưởng, lời khuyên gợi mở và những câu nói tóm lược nội dung. Cách trình bày khoa học nhưng vẫn hóm hỉnh và đầy tình cảm, như một buổi chia sẻ, sẽ tạo động lực nhẹ nhàng cho tất cả chúng ta.

Nếu tôi biết được khi còn 20
Mục lục “Nếu tôi biết được khi còn 20” (Ảnh: Rối)

Những trang sách hay

Hãy nắm lấy khó khăn

Tại sao chúng ta cứ mất thời gian phàn nàn và cố né tránh những khó khăn ? Điều chúng ta cần là đối diện và vượt qua nó. Ví như, chúng ta gặp khó khăn trong việc sử dụng ngoại ngữ. Chúng ta cứ né tránh không tiếp xúc với người nước ngoài. Suốt ngày, chúng ta ngồi phàn nàn với bạn bè rằng không thể thăng tiến vì thiếu ngoại ngữ. Cuối cùng, chúng ta vẫn không thay đổi gì cả. Nhưng nếu lúc đó, chúng ta nhìn thẳng vào vấn đề rằng chỉ cần có ngoại ngữ, chúng ta sẽ đi xa hơn trong con đường sự nghiệp. Chúng ta trau dồi học hỏi và tìm môi trường nói chuyện nhiều hơn thì chúng ta đã có thể vượt qua.

Điều chúng ta cần là nắm lấy các khó khăn, xử lý nó và tìm ra cơ hội trong nó. Một ngày nào đó, khi nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ cảm ơn những khó khăn đó chứ không phải hối tiếc vì những năm tháng đã qua.

Nếu tôi biết được khi còn 20
Hãy nắm lấy khó khăn (Ảnh: Rối)

Biện minh chỉ là một cái cớ

Biện minh chính xác là một cái cớ để chúng ta trốn tránh trách nhiệm của mình.

  • “Tôi đến trễ vì kẹt xe”
  • “Tôi không đi được vì bận việc riêng”
  • “Tôi không làm được việc này vì tôi thiếu kinh nghiệm”
  • “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”

Điều chúng ta cần là nhìn ra lỗi sai của chính mình rồi sửa chữa. Chúng ta không nên lấy một lý do ngoại cảnh hay một ai khác hoặc một điều gì đó trong quá khứ ra để kiếm tìm sự đồng cảm và che mờ đi những cái sai của chính mình. Một câu: “Tôi sai rồi, tôi xin lỗi”, thuyết phục hơn hàng vạn lý do không hợp tình, hợp lý. Với mình, khi người ta nhận sai thì lần sau có thể sẽ sửa nhưng với những người diện được lý do lần 1 thì chắc chắn sẽ có lần 2.

Nếu tôi biết được khi còn 20
Biện minh là vô nghĩa (Ảnh: Rối)

Chỉ cần một quyết tâm nhỏ

Nếu hỏi mình giai đoạn nào là quan trọng nhất trong hành trình chinh phục một điều gì đó thì câu trả lời chắc chắn là bắt đầu. Chỉ cần chúng ta bắt đầu thì sẽ có kết quả. Dù là thất bại hay thành công thì chúng ta đều có được nhiều giá trị. Giai đoạn bắt đầu là điều tuổi trẻ gần như có thừa. Những năm 20 tuổi, chúng ta sẽ có ít nỗi lo sợ khi bắt đầu một điều gì đó mới hơn bất kỳ độ tuổi nào. Bởi lúc này, chúng ta có rất nhiều cơ hội, có sức trẻ và ít vướng bận. Vậy mà, nhiều người trẻ dường như vẫn ngại bắt đầu vì lo sợ thất bại trong tương lai.

Bạn có biết rằng: Những năm 20, chúng ta thường lo sợ cho tương lai. Nhưng những năm sau này, chúng ta chỉ có quyền hối tiếc cho những tháng năm 20. Vậy nên, hãy cho mình một quyết tâm nhỏ thôi và làm một điều gì đó mà bạn cho là đúng.

Nếu tôi biết được khi còn 20
Chỉ cần một quyết tâm nhỏ (Ảnh: Rối)

Tìm kiếm cơ hội

Mình không nói đến việc cố tìm một cơ hội nào đó để đổi đời xa vời. Chỉ đơn giản, chúng ta có thể khám phá rất nhiều điều thú vị trên thế giới này. Chúng ta có thể xem Youtube, lướt web, lên các trang mạng xã hội, không chỉ là thư giãn mà còn nhìn sâu hơn về thế giới này. Bất cứ những điều gì, chúng ta đều có thể nhìn xa hơn và cũng ẩn chứa nhiều câu hỏi mà chúng ta cần giải đáp. Chúng ta cũng có thể quan sát những cảnh vật, con người xung quanh chúng ta, thật kỹ càng và chi tiết. Ắt hẳn có nhiều điều sẽ khiến chúng ta thú vị và muốn khám phá. Đó mới chính là cơ hội. Cơ hội khác với may mắn, nó phải do chính chúng ta tìm và phát triển chúng.

Ví như: hôm nay lướt web, mình tìm ra một vùng đất xinh đẹp và muốn khám phá nó. Rồi mình đi du lịch và nhận ra nơi đó là nơi dành cho tương lai của mình. Hay mình đang đi dạo và nhìn thấy một buổi hội thảo thú vị, mình vào tham gia. Rồi chợt nhận ra những đồ vật thủ công này là thứ mình có thể gắn bó cả đời. Chỉ là một cái nhấp chuột, chỉ là một buổi đi dạo nhưng chỉ cần đặt cái tâm vào đó, thì mọi thứ sẽ khác.

Nếu tôi biết được khi còn 20
Tìm kiếm cơ hội và trải nghiệm (Ảnh: Rối)

Lời kết

Những năm 20 cần lắm một người hướng dẫn, sẻ chia và định hướng. “Nếu tôi biết được khi còn 20” sẽ có thể là một người đồng hành như thế. Nó gợi mở cho những tháng năm lạc lối chưa biết bản thân là ai và tiếp thêm động lực để chúng ta có thể làm một điều gì đó. Giọng văn chia sẻ, hóm hỉnh nên đọc sẽ không bị chán đâu.

Chúng ta sẽ không phải hối tiếc để nói rằng “Nếu tôi biết được khi còn 20” thì có phải tốt hơn không. Cuộc đời chỉ sống một lần, vậy nên đừng để bản thân phải nói chứ “nếu”. Cuộc đời không giống như hoạt hình, không thể mở cánh cửa thần kỳ và quay ngược thời gian lại đâu.

Nếu tôi biết được khi còn 20
Những gợi ý ý tưởng cho độc giả tuổi 20 (Ảnh: Rối)

Yêu thương thật nhiều.

-Rối-

—-

Đặt sách “Nếu tôi biết được khi còn 20” tại:

—-

Xem thêm các bài viết liên quan nhé:

—–

Roi

Freelance Writer, Ghost Writer | Review sách, quán ngon, kể chuyện mèo và tản mạn cuộc sống hằng ngày

Bạn cũng có thể thích

Chia sẻ với Rối những gì bạn đang nghĩ nhé: